Dương Trọng Tấn nói về Agile Y

Một lập trình viên như thế nào thì được gọi là giỏi? Phải làm gì để trở thành lập trình viên giỏi? Lập trình viên phải đọc những gì? Đó là ba câu hỏi ám ảnh tôi trong hơn một thập kỉ hành nghề đào tạo lập trình viên.

Nếu như chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời cho câu thứ nhất với cách tìm kiếm từ  những lời khuyên, những bài học, và chính trải nghiệm cuộc đời từ các bậc cao thủ như Donald Knuth, James Gosling, Peter Norvig, Uncle Bob, Andy Hunt, Kent Beck… ; câu hỏi thứ hai gần như là câu nối dài thêm câu hỏi thứ nhất, ta có thể trả lời rằng: đi lại con đường tiêu chuẩn mà những cao thủ ấy đã đi; thì câu hỏi thứ ba không phải lúc nào cũng có câu trả lời rõ ràng. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, nơi chưa hẳn là có một cái hệ sinh thái lập trình thật phát triển, và ngành xuất bản sách kĩ thuật không quá phát triển.

Có một sự thật là sách báo bằng tiếng Việt cho người làm nghề phát triển phần mềm hầu như không đáng kể. Lời khuyên chí tình rằng “học IT nên biết tiếng Anh, đọc trực tiếp sách tiếng Anh” không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm bởi hai nhẽ: Thứ nhất là không phải ai cũng đọc được bằng tiếng Anh thật thoải mái; thứ hai là sách tiếng Anh của các tác giả ngoại quốc thiếu vắng những bài học ở đây và bây giờ. Nói thế để chúng ta nên thật vui mừng mỗi khi có một cuốn sách dành cho người làm nghề được viết và xuất bản.  

Mặc dù cuốn sách này hướng tới cả lập trình viên và những nhà quản lí, và trong một chừng mực nào đó là cho những người khác nữa; nhưng có lẽ nó sẽ mang lại giá trị lớn nhất cho lập trình viên. Đây là cuốn sách mà tất cả các lập trình viên nên đọc, bởi mấy lẽ. Trước hết, đây là cuốn sách do một lập trình viên chuyên nghiệp viết. Đấy lại là người đã có đủ trải nghiệm cả bề rộng lẫn bề sâu về nghề nghiệp. Nó chứa đựng những suy tư, những bài học, và những tình cảm nghề nghiệp mà nếu không phải là dân yêu nghề, giỏi nghề thì không viết ra được. Tiếp đến, đây là cuốn sách mở ra một hiểu biết mới, rộng hơn, cập nhật hơn với xu thế phát triển phầm mềm hiện đại. Cuối cùng, cuốn sách này cung cấp những công cụ dùng ngay được để cá nhân có thể gia tăng hiệu suất làm việc, có được sự hạnh phúc trong lao động, đồng thời mở ra những gợi ý để học tiếp.

Cuốn sách này không có những chỉ dẫn kiểu “cẩm nang”, nhưng hàm chứa những ý tưởng quan trọng cho hành trình tự học bất tận của những người làm nghề.

Hãy đọc một lèo hết quyển sách, dừng lại suy nghĩ để chiêm nghiệm, và lập một kế hoạch áp dụng những ý tưởng của cuốn sách. Bạn sẽ thấy những thay đổi tuyệt vời.

Dương Trọng Tấn – Giám đốc, Học viện Agile.