Chuyện đào tạo: Lý thuyết hay thực tiễn?

Hôm rồi lướt Facebook, vô tình đọc được comment trên status của anh bạn, đại thể là thế này: Ở Việt Nam, mấy ông đào tạo về quy trình toàn hội đọc với dịch sách, chẳng có kinh nghiệm dự án thực tế gì, không áp dụng được. Không dài dòng, khẳng định luôn: Tình hình đó không chỉ ở Việt Nam, ở đâu ở trên quả đất này đều thế hết; có khác là nhiều ông đào tạo về quy trình ở “nước ngoài” thì có viết sách, không chỉ có dịch sách (nói “nước ngoài” là khoảng 200 nước khác Việt Nam, cũng có khoảng trăm nước chỉ có sách dịch thôi, nên không phải cứ “nước ngoài” là to đâu ạ).

Ví dụ về thế giới bóng đá cho dễ hiểu đi: cầu thủ là người có kinh nghiệm thực chiến, huấn luyện viên (HLV) là người đào tạo và huấn luyện; thì có mấy kiểu phổ biến, xin kể ra mấy điển hình: Đá bình thường (có khi chẳng biết đá), huấn luyện tốt: Alex Ferguson – rất bình thường với sự nghiệp cầu thủ nhưng là một HLV đại tài; Jose Mourinho thậm chí không biết đá bóng. Đá giỏi, huấn luyện dở: Maradona – cả thế giới phải ngả mũ về tài năng bóng đá nhưng dẫn dắt đội tuyển Argentina cực “bết bát”. Đá giỏi, huấn luyện giỏi: Pep Guardiola – thôi khỏi bàn, ai cũng biết. Đá dở, huấn luyện cũng dở luôn: Toshi Miura – ai phản đối không?

Nói vậy để thấy rằng, không có mối liên hệ nào đảm bảo việc một người thành công trên cương vị cầu thủ sẽ đảm bảo thành công trên cương vị HLV. Rồi, bây giờ một CLB cần HLV, chọn ai giờ?

Pep Guardiola thì quá tuyệt vời, nhưng hãy nhớ, số này không nhiều nên luôn là hàng “hot”, vậy nên quyền lựa chọn đôi khi không thuộc về CLB dù có rất nhiều tiền. Toshi Miura thì chẳng bao giờ “đắt hàng”, nhưng cũng hữu dụng với mấy CLB hạng 2, 3 của Nhật. Phần nhiều HLV “được chào đón” thuộc dạng “đá thường, huấn luyện tốt” hoặc “đá hay, huấn luyện dở”.

Tại sao? Bởi chung quy mỗi người cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày mà thôi, tập trung vào “học thuật, chiến thuật bóng đá” thì phải bớt thời gian tập luyện thực địa trên sân; và ngược lại. Đấy là quy luật chung, một số ít dành hết thời gian khác của cuộc sống mới hoàn thành tốt cả 2 vai trò. Người ta tin dùng Maradona, Didier Deschamps… vì cho rằng những kinh nghiệm thực tế sẽ giúp họ thành công trên cương vị HLV. Ngược lại, người ta tin dùng Jose Mourinho, Villas Boas… vì cho rằng họ đã kinh qua rất nhiều “lý thuyết” bóng đá và sẽ thành công trên thực địa. Ai cũng có lý cả. Bởi một số thành công, một số thất bại.

Hết bóng đá, quay trở lại chuyện đào tạo: thì cũng vậy cả thôi. Số “sang chảnh” có Pep Guardiola hay số “cực chẳng đã” chọn Toshi Miura thì khỏi bàn; vì cả cung và cầu đều ít. Số đông còn lại nên chọn ai, Maradona hay Mourinho? Lợi hại ra sao?

Chọn Maradona là chấp nhận ưu tiên kinh nghiệm. Kinh nghiệm là con dao sắc hai lưỡi: nó ngay lập tức phát huy hiệu quả tốt nếu ngữ cảnh hiện tại giống (hoặc gần giống) với quá khứ; ngược lại là đứt tay ngay. Đặc biệt trong chuyện đào tạo. Không ai lấy thuần kinh nghiệm ra để đào tạo cả. Những thành công anh gặp trong quá khứ tạo lối mòn cho thất bại sắp tới. Những thất bại anh gặp trong quá khứ ám ảnh chuyện “quản lý rủi ro”, làm chậm quá trình thành công. Điều quan trọng là, anh sẽ thiếu lý thuyết để có góc nhìn rộng, hiểu biết cho những phương án dự phòng trong trường hợp kinh nghiệm không phát huy tác dụng. Với Maradona, đội bóng chỉ tấn công; nhưng xin lỗi, đấy là thời của ông, giờ đây đội bóng cần biết cả tấn công và chống phản công.

Chọn Jose Mourinho là chấp nhận ưu tiên lý thuyết. Lý thuyết là con dao cùn một lưỡi: nó không ngay lập tức phát huy hiệu quả trong bất cứ điều kiện hiện tại nào, nhưng an toàn. Người được đào tạo phải đổ nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sự phù hợp giữa lý thuyết và thực tế để có những điều chỉnh phù hợp. Việc này đương nhiên là khó hơn, tốn nguồn lực hơn, cũng có thể thất bại, nhưng thành công sẽ bền. Lý thuyết Mourinho có chỉ rất rõ: đá ở Premier League, Seria thì phải ưu tiên hạn chế bàn thua, đá ở La Liga thì cứ ghi nhiều bàn thắng là xong.

Nói như vậy để hiểu rằng, người làm đào tạo nghiêm túc là người có xu hướng lý thuyết nhiều hơn. Tất nhiên là có cả kinh nghiệm thực chiến nữa thì tốt (nhưng mỗi người chỉ có 24 giờ trong một ngày thôi đấy, thêm cái này đương nhiên sẽ bớt cái kia). Ngay cả khi họ có nhiều kinh nghiệm thực chiến, đó cũng chỉ coi như phần bonus hoặc minh hoạ cho lý thuyết mà thôi. Bởi vậy mới nói, kinh nghiệm là “chia sẻ” chứ đâu phải “đào tạo”, không ai dám mài kinh nghiệm ra để đào tạo cả. Đã lập trình viên nào thành công sau khi nghe Nguyễn Hà Đông “chia sẻ kinh nghiệm” thành công với Flappy Bird đâu? Người làm đào tạo nói về cách làm ý tưởng, lập trình, ASO, marketing… đúng nghĩa – điều đảm bảo thành công đến chậm nhưng bền.

Ví dụ vậy, để mọi người hiểu rằng người làm đào tạo dù có bao nhiêu lý thuyết hay kinh nghiệm thực chiến cũng đều ưu tiên lý thuyết; thậm chí cố tình che giấu phần kinh nghiệm để tránh người được đào tạo đi theo con đường đó trước khi có hiểu biết nền tảng lý thuyết đầy đủ. Khi móng đã chắc, hãy phân tích đến kinh nghiệm. Trong các sự kiện, talk, tôi cũng thường quan tâm đến nền tảng kiến thức của diễn giả là gì, lý thuyết và sự kiện gì thúc đẩy họ đưa ra những quyết định hơn là đơn thuần kinh nghiệm được họ chia sẻ.

Tôi là người hâm mộ Carlo Ancelotti – một quý ông lịch lãm, người thành công trên cương vị cầu thủ nhưng lại không quá mang kinh nghiệm đó vào sự nghiệp HLV, rất uyển chuyển trong việc huấn luyện, đào tạo ở nhiều môi trường khác nhau, với những con người, ngữ cảnh khác nhau, và đều thành công rực rỡ. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh nghiệm thực chiến và triết lý, nền tảng lý thuyết tốt. Nhưng HLV như Ancelotti trên thế giới có được bao nhiêu? Nên tôi chờ đợi một thần tượng khác của mình, Zizou 🙂