Thói quen và quán tính

Sáu năm trước, lần đầu tiên, một người thầy nói với tôi rằng “con cần cẩn thận, đừng sống theo quán tính như người ta”. Thời điểm đó, là quá sớm để tôi hiểu hết một câu nói bình dị, tôi chỉ đơn thuần bị ấn tượng bởi từ “quán tính” – không nhiều người sử dụng nó cho cuộc sống. Những năm sau đó, khi bắt đầu đọc và thực hành, hiểu hơn trong việc hình thành những thói quen tích cực, tôi dần hiểu ra rằng quán tính tích cực và cũng đáng sợ.

Khi chúng ta tiếp cận những điều mới mẻ, quán tính là mỏ neo giữ chúng ta lại. Một người chưa bao giờ hút thuốc, quán tính sẽ giữ anh ta lại, ngăn cản anh ta có những trải nghiệm mới trong làn khói; nhưng chính quán tính đó, sẽ giúp anh ta được an toàn và không làm điều tổn hại tới sức khoẻ.

Khi chúng ta, vì vượt qua quán tính để hình thành thói quen mới, ngay lập tức chúng ta đã vô tình hình thành một quán tính khác, quán tính giống như cánh buồm no gió đẩy chúng ta đi mãi. Một người khi đã quen với việc uống cafe mỗi tối, quán tính sẽ giúp anh ta tìm ra cách thưởng thức ly cafe tuyệt nhất sau bữa ăn; nhưng chính quán tính đó, sẽ đẩy anh ta tới những cơn mất ngủ, mãi không thôi.

Một con thuyền hoàn hảo phải có mỏ neo, cánh buồm và bánh lái. Một chiếc bè thì không cần như vậy, chỉ đơn giản là đứng yên khi nước lặng, và trôi tự do theo dòng khi nước đi. Và mỗi người, có sự lựa chọn của riêng mình, là chiếc bè hay con thuyền?

Có những người cảm thấy thoải mái khi là chiếc bè, cứ xuôi theo dòng chảy, mỗi ngày, làm những gì vẫn làm, và làm những gì người khác vẫn làm. Song chắc không nhiều người muốn sống cuộc sống của chiếc bè, có chăng, đa phần chỉ sống như vậy một cách thụ động, một cách bản năng; bởi họ vẫn thấy vui khi xuôi theo dòng nước, nhưng mấy ai lường được khi nước xoáy trong một cơn mưa lũ, chiếc bè có còn vui khi nó bị quán tính đẩy tới một tốc độ kinh hoàng? Tôi tin chỉ một số ít người thích thú với tốc độ.

Con thuyền thì khác, vốn tự thân nó đã chuẩn bị cho mình những thành phần và chức năng cần thiết. Thả mỏ neo khi muốn dừng lại, thu neo để xuôi theo dòng, giăng buồm để tăng tốc, và đánh lái sang một hướng khác khi muốn. Và khi cần, nó có thể đi ngược dòng nước. Nó cho phép mình có nhiều lựa chọn. Nó lựa chọn hướng đi của riêng mình trong quán tính của dòng nước. Tôi tin, hầu hết chúng ta muốn mình là một con thuyền. Chúng ta muốn được sống chủ động.

Để nâng cấp từ chiếc bè thành con thuyền không dễ, con người cần rèn giũa những kỹ năng để hình thành lên chiếc mỏ neo, cánh buồm và bánh lái. Song đó chưa phải là tất cả. Điều quan trọng hơn là cách lái con thuyền một cách thông minh. Khi nào thì quăng neo, khi nào thì nhổ neo, khi nào giăng buồm, và khi nào thì đánh lái? Điều đó cần hơn cả sự thông minh và tinh tế; cũng như phương pháp tốt. Con người cần nhìn lại vào chính mình, để hiểu thực sự mình cần gì, và muốn gì; để thu lại chiếc mỏ neo và rồi tận dụng quán tính để tiến về phía trước. Nhưng việc hiểu mình không cần gì, và không muốn gì cũng quan trọng không kém; để quăng ra chiếc mỏ neo và dừng lại khi cần. Và để nhìn vào chính mình, không gì tốt hơn những khoảng lặng. Nếu một người cứ mãi làm những việc một cách vô thức, chỉ vì ngày hôm qua anh ta làm vậy hay chỉ vì mọi người vẫn làm vậy, quán tính cuộc đời sẽ sớm đẩy anh ta tới một tốc độ kinh hoàng. Nếu anh ta nhìn có phút nhìn lại để nhận ra quán tính sẽ đẩy mình đi đâu, tới tốc độ nào, anh ta sẽ biết mình nên căng buồm, đánh lái hay thả neo.

Đó có thể là trong một trận bóng, tôi cố gắng kết thúc một tình huống, để có 10 giây suy nghĩ. Đó có thể là trong một bữa tiệc vui hay một cuộc buồn, tôi biến mất giữa đám đông 5 phút, để biết rằng mình nên tiếp tục hay trở về. Đó có thể là 1 giờ không làm gì để biết mình nên làm gì. Làm gì, và không làm gì, cũng đều quan trọng như nhau. Xác định được giá trị trong cuộc sống, chính là tìm ra cách sử dụng và điều khiển quán tính một cách hợp lý. Chúng ta sẽ luôn căng buồm theo những thói quen mà chúng ta tin rằng, đó là giá trị cuộc sống; chúng ta sẽ luôn xuôi dòng với những thói quen khác; và chúng ta sẽ thả neo để giữ mình lại trước khi hình thành nên một thói quen vi phạm những giá trị này. Vì sau cùng, chạy theo những thói quen của mình một cách vô thức đã là điều tồi tệ; để quán tính đẩy chúng ta theo những thói quen chỉ vì những người khác vẫn làm như vậy, còn tồi tệ hơn.

Quán tính có thể là sức ỳ, ngăn cản chúng ta chuyển động tới những điều mới mẻ, hình thành những thói quen.

Quán tính có thể là sức động, giữ chúng ta mãi trôi theo những thói quen.

Quán tính tích cực, và cũng tiêu cực như thói quen vậy.

Hiểu được bản thân cần sự tinh tế; sử dụng quán tính hợp lý để điều chỉnh cần sự sáng suốt. Và thật đáng buồn, con người lại là sinh vật phi lý trí nhất. Bởi vậy, sẽ tốt hơn nếu con người đi cùng nhau; người ta cần một đối tác sáng suốt; người sẽ căng buồm hoặc thả neo khi cần thiết. Đàn ông, với bản tính của mình, mấy khi sáng suốt?