Những nguyên tắc trong phản biện

Tuần trước, tôi có bài nói chuyện tại Agile Vietnam về cách chúng tôi thực hiện “kiểm thử tự động trong dự án Agile”, và tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản biện tốt về cách chúng tôi đang làm – đây thực sự là điều tôi mong muốn khi có thể học hỏi được từ những ý kiến phản hồi. Có một số ý kiến trong đó thì lại không thực sự là “phản biện” dù rằng những người đề xuất liên nhắc nhiều về từ “phản biện” – cũng chính điều này khiến tôi để ý lại rằng: thật sự có nhiều người không hiểu thế nào là phản biện, và những nguyên tắc trong phản biện dù họ liên tục sử dụng từ này.

Phản biện là hoạt động đưa ra những lập luận, lý lẽ, chứng cứ nhằm lý giải, chứng minh ngược lại một quan điểm, một vấn đề hay một hiện tượng.. nào đó. Mục đích của phản biện là làm sáng tỏ vấn đề và nhằm hoàn thiện cho những lập luận, lý lẽ.. đang được phản biện, hoặc chứng minh chúng là sai.

Phản biện không phải chỉ trích.

Và theo tôi, nhiều người thường hay lãng quên hoặc nhầm lẫn những điều sau, dẫn đến thường hiểu nhầm một “trình bày” của mình là “phản biện”.

Trình độ nhất định. Để có phản biện tốt, những người tham gia phản biện cần có trình độ nhất định về 2 lĩnh vực:

  • Kiến thức về chủ đề được thảo luận. Ví dụ, khi thảo luận về “quy hoạch phương tiện giao thông ở Việt Nam” thì để hiểu và phản biện được, người tham gia cần có kiến thức tối thiểu về “phương tiện giao thông ở Việt Nam” có những loại phương tiện cá nhân, công cộng nào, có gì đặc thù…ở Việt Nam.
  • Phản biện. Người đưa ra những phản biện cần có trình độ về mặt nhận thức, lý luận về tư duy và cách phản biện, tranh luận.

Tiên đề. Một quan điểm xuất phát từ một giả định nào đó, thường gọi là “tiên đề”, và sẽ không được chứng minh, đòi hỏi phải được đồng thuận trước khi tiến hành tranh luận. Nếu không, tranh luận sẽ quay trở lại việc phản biện quan điểm được coi là tiên đề thay vì quan điểm, hiện tượng được đưa từ tiên đề đó.

Ví dụ: Một người trình bày: “Dân số Việt Nam trẻ nên có sức lao động lớn”. Người khác phản biện: “Với 70% dân số nằm trong khoảng 30-80 tuổi, dân số Việt Nam đã già, vì thế sức lao động không lớn”.

Ở đây tiên đề là “tuổi của dân số”, dân số “trẻ” có độ tuổi từ 15 tới 59 (độ tuổi lao động) cần được chấp nhận. Ý kiến được đưa ra là “nên có sức lao động lớn” không được phản biện đúng bởi người tranh luận không chấp nhận tiên đề này, cho rằng “dân số già” (theo họ > 30 tuổi là già). Đây là một nguỵ biện phổ biến là “phủ nhận tiên đề” dẫn tới phủ nhận hệ quả. Phản biện đúng có thể là “dân số trẻ nhưng sức lao động không lớn do những người nằm trong khu vực này không muốn lao động”.

Câu hỏi. Câu hỏi được dùng để có thêm thông tin, và thường không được coi là một ý kiến phản biện.

Cũng với ví dụ trên, câu hỏi “sức lao động thế nào được coi là lớn?” để làm rõ thêm thông tin về cách đo lường sức lao động của tác giả, chứ hoàn toàn không chứng minh được điều ngược lại. Một vấn đề lớn là trong các ngôn ngữ thường có câu hỏi tu từ, trong tranh luận cần tránh sử dụng câu hỏi tu từ mà nên nêu thẳng vấn đề.

Tập trung vào sai lầm, không phải sai sót. “Sai lầm” được hiểu là “lỗi” lớn trong cách tư duy hay quan điểm, “sai sót” là “lỗi” nhỏ trong cách diễn đạt hay từ ngữ. Điều này thường xảy ra trong những trao đổi thông qua nói vì khi nói sai sót thường xảy ra hơn là viết vì người tham gia có ít thời gian cân nhắc về câu từ hơn. Tất nhiên, việc dùng sai một từ có thể thay đổi bản chất của cả một vấn đề – nhưng may mắn là điều này ít xảy ra nếu những người tham gia suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra ý kiến.

Ví dụ: quan điểm “Hà Nội được ưu ái so với các vùng khác khi có dải số cho biển số xe quá dài, từ 28 tới 33” bị phản biện bởi “biển số xe dành cho Hà Nội từ 29 đến 33” cũng đúng nhưng không nhiều giá trị vì ý kiến này tập trung vào “sai sót” thay vì “sai lầm” bởi quan điểm chính ở đây là “Hà Nội được ưu ái so với các vùng khác” bởi dẫn chứng “có dải biển số xe quá dài”. Ý kiến “biển số xe dành cho Hà Nội từ 29 đến 33” cũng có lý khi chỉ ra “29 đến 33” thì không “dài” như “28 đến 33” nhưng tiếc rằng nó không đi vào nội dung chính, chỉ nên là một góp ý.

Điều này cũng đưa ra một gợi ý rằng, để có phản biện chất lượng, vấn đề về ngôn ngữ, trình bày cần được liên tục cải thiện. Và mức độ nào được coi là “sai sót” hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ ngôn ngữ, thể hiện của những người tham gia – dù sao cũng không nên tập trung quá vào đây.

Một phản ví dụ thiểu số không là phản biện của một kết luận không tuyệt đối.

Ví dụ: quan điểm “phần lớn những vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm” không thể bị bẻ gãy chỉ bởi một phản ví dụ “hôm qua một vụ tai nạn xảy ra vào lúc 10 giờ sáng” vì kết luận là “phần lớn” nên cũng cần phản ví dụ với hiện tượng “phần lớn vụ tai nạn không xảy ra vào ban đêm”.

Thời gian. Cuộc tranh luận thường có xu hướng kéo dài vô tận, nhưng nó nên được kết thúc khi: hoặc những người tranh luận đạt được một sự đồng thuận nhất định về quan điểm cần làm sáng tỏ; hoặc khi thời gian tranh luận đã hết.

Và để có phản biện chất lượng, những cản trở sau cần chắc chắn bị loại bỏ

Thứ bậc. Được hiểu là cách “xếp nhóm”, “phân loại” những người tham dự dù ít hay không liên quan tới vấn đề đang được tranh luận cần được loại bỏ như cấp bậc, tuổi tác, thâm niên… Tất nhiên một cậu bé thì không nên phản biện cho quan điểm của một tiến sĩ vật lý về vấn đề năng lượng hạt nhân, nhưng một cử nhân cùng ngành thì có, và lúc này “tiến sĩ”“cử nhân” cần được loại bỏ. Quan điểm này nối tiếp và bổ sung cho quan điểm cần có trình độ nhất định giữa những người tham gia về vấn đề đang tranh luận.

Tôi đã thử thực hiện một ví dụ nhỏ trước đây: Trong 2 bài nói giống nhau cho 2 nhóm những đối tượng khá tương đồng, một trong số đó tôi có giới thiệu title cũng như kinh nghiệm của mình, một trong số đó thì không – trước đó cả 2 nhóm cùng không biết tôi là ai. Kết quả là nhóm “biết tôi là ai” qua giới thiệu dường như tin hơn rất nhiều về những điều tôi đưa ra, và có rất ít phản biện (nhưng thực sự chất lượng hơn) so với nhiều “câu hỏi kiểu nghi vấn” của nhóm còn lại. Thật ra điều này thì cũng tốt ở khía cạnh những người tham dự sẽ đưa ra những phản biện tốt hơn là những sai sót lặt vặt. Nhưng những title, kinh nghiệm này vô hình chung ngăn cản những người có “vị trí” hay kinh nghiệm thấp hơn đưa ra ý kiến của mình. Và như vậy thì thật tệ, vì người ta phản biện cho một quan điểm hay một vấn đề chứ không phản bác con người – và điều đó không nên thay đổi, dù những người tham gia là ai. Nhưng theo quan sát của tôi, một phần cũng vì nhiều người có thói quen khá xấu, đặc biệt khi có chút kiến thức và tiếp cận một luận điểm mới, kiểu như “gã này đang nói cái gì vậy, thật lố bịch, dù sao mình cũng đã có 5 năm kinh nghiệm về vấn đề này, mình không thể để cho hắn nói luyên thuyên và cần lập lại trật tự ngay bây giờ”. Nhưng nếu biết trước người đưa ra luận điểm có 10 năm kinh nghiệm, người ta sẽ hoài nghi kiểu như “gã này đang nói cái gì vậy, nhưng gượng đã, 10 năm kinh nghiệm thì chắc không phải là khờ, gắng chờ chút xem sao”. Thực sự là vậy, người ta dành rất ít sự tôn trọng về kiến thức của người khác nếu không biết người đó là ai.

Cảm xúc. Tranh luận không có chỗ cho cảm xúc – cảm xúc duy nhất nên có là vui vẻ, hân hoan vì nhận được những phản biện tốt cũng như hài lòng vì vấn đề được làm sáng tỏ bởi bất cứ ý kiến nào trong cuộc tranh luận. Điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Rất khó. Nhưng như vậy mới là khoa học.

Có một vấn đề nữa, tôi không biết xếp vào phần nào, đó là “thời điểm đưa ra phản biện”. Chúng ta cần chắc chắn rằng mình chỉ đưa ra phản biện khi đã hiểu được quan điểm của người khác. Tôi đã làm 1 thí nghiệm nhỏ như sau: Với cùng 1 bài nói cho 2 tập sinh viên có trình độ khá giống nhau, một bài nói cho phép người tham dự có thể nêu câu hỏi bất cứ lúc nào, một chỉ được đặt câu hỏi khi tôi chuyển sang phần Q&A. Kết quả là bài nói với những câu hỏi chỉ ở phần Q&A tuy có số lượng ít hơn nhưng chất lượng cao hơn rất nhiều và đi đúng vào nội dung, cũng như cả sai sót trong từng luận điểm nhỏ. Ngược lại, trong bài nói cho phép câu hỏi xuất hiện thường xuyên, câu trả lời tôi hay phải dùng nhất là “sẽ trả lời vào phần sau”. Thông thường, những slide được đánh số, có nội dung (abstract, content, outline, landscape…) ở đầu và diễn giả thường đi theo cấu trúc này. Và thông thường, nếu không nói gì thêm, diễn giả sẽ mong nhận được câu hỏi ở cuối sau khi đã thực hiện rõ những “ý đồ” của mình để truyền tải được quan điểm và kiến thức tới người tham dự. Vì thế người tham dự cũng cần bám sát nội dung này, ghi lại câu hỏi cũng như số slide tương ứng – quá nửa trong số này sẽ bị gạch đi khi chuyển qua phần Q&A. Thường thì có 2 cách tiếp cận; một là, đưa ra luận điểm trước rồi sau đó đi vào chi tiết hiện tượng, chứng minh; hai là, đưa ra những hiện tượng và tổng hợp thành luận điểm. Sẽ thực sự tệ hại nếu cách tiếp cận thứ 2 bị những câu hỏi xen ngang với những điều vụn vặt để rồi luận điểm không bao giờ được đề cập tới khi thời gian kết thúc.

Một vấn đề khác, nguy hiểm hơn là “không đưa ra phản biện”. Trong nhiều hội thảo, tôi quan sát thấy nhiều người chỉ cười khẩy hoặc khẽ lắc đầu, hoặc tệ hơn là cười ngặt kèm những câu như “bull shit” với nội dung được diễn giả trình bày, tuy nhiên lại không đưa ra bất cứ phản biện nào của mình. Điều này thực sự rất tệ bởi chúng ta không học được thêm điều gì mới mẻ khi giam mình dưới đáy giếng. Thấy không đúng nhưng không phản biện còn tệ hại hơn việc phản biện không chất lượng.

Bài post này chỉ nêu được một số điểm hay gặp dẫn đến ngộ nhận về phản biện hoặc phản biện kém chất lượng, cũng chỉ dựa theo quan sát của tôi tại một số buổi hội thảo mà tôi tham dự. Vì để nêu ra đầy đủ những nguyên tắc trong phản biện thì không thể ngắn được :). Bạn có muốn bổ sung bằng cách comment ở dưới không? 🙂