Dresden: Vẻ đẹp cổ kính

Từ Berlin đi Dresden thì rất tiện, mất khoảng 7€ và 2 giờ ngồi xe bus – vậy nên có rất nhiều khách du lịch từ Berlin tới Dresden, và mình cũng không phải ngoại lệ.

Thành phố lịch sử

Dresden là một thành phố cổ, trước đây đã từng là thủ phủ của Đức từ thế kỷ 13 và thay đổi lớn vào thế kỷ 18 khi lãnh tụ Saxony Frederick Augustus đã mời rất nhiều nhà kiến trúc, nghệ sỹ, nhà khoa học nổi tiếng với tham vọng biến Dresden thành thành phố kiểu mới, dẫn đầu về công nghệ của châu Âu. Bởi vậy chẳng có gì quá đáng khi nói rằng Dresden rất đẹp.

Tuy vậy, vì vị trí địa lý và hành chính của mình, lịch sử của Dresden ngoài nghệ thuật còn gắn liền với rất nhiều cuộc chiến tranh, bên nào chiến tuyến cũng đổ rất nhiều quân vào và cố giành giật lấy. Đỉnh điểm là Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã phá nát hoàn toàn Dresden; sau khi chiến tranh kết thúc, Dresden được phục chế lại nguyên bản như trước, không sót một công trình nào. Vậy nên Dresden chỉ có hình dáng, kiến là kiểu cũ, còn đa phần những viên gạch mới có tuổi thọ vài chục tuổi thôi. Nhưng mà không sao, nếu không nói thì cũng có ai nhận ra đâu (vì phục chế nguyên bản mà), và còn bền nữa.

Dòng sông Albe

Đi chơi ở Dresden khá thích vì những địa điểm hay nhất nằm rất gần nhau và chỉ cần đi bộ là đủ. Những địa điểm như Zwinger, Green Vault, Procession of Princes, Semper Opera house… đều nằm dọc bên bờ sông Albe – kiểu thành phố nằm hai bên bờ sông, và những chỗ đẹp nhất sẽ nằm dọc theo hai bên bờ. Nhưng theo mắt thẩm mỹ của mình thì sông Albe cũng bình thường thôi, chẳng quá đẹp; lúc mình tới thì nước hơi thấp, trông giống bãi sông Hồng nhà mình vậy, cũng hay.

Sông Albe

Những địa điểm này gần nhau đến mức nếu không có hiểu biết gì thì chúng ta sẽ tưởng đây là… một điểm vì chúng cứ nối liền, liên tiếp nhau.

Đây có lẽ là bức tranh ghép dài nhất châu Âu

Toà bên phải là hàng… vẽ, các bạn ấy đang sửa, quây bên ngoài bởi một tranh vẽ, ghép vào cứ như thật

Một nơi chẳng nổi tiếng gì nhưng mình cũng thích là con đường nhỏ ngay sau Goldener Reiter (tượng vàng Frederick Augustus II) với những căn chung cư cũ nhưng đầy hoa ngoài ban công, hai hàng cây lớn mát che bóng mát. Ngồi đây mà gọi một ly cafe thì thật tuyệt.

Tượng vàng Frederick Augustus II

Ấn tượng cuối về Dresden thì khá buồn cười: 2h chiều mình quyết định điểm đến tiếp theo là Prague, đặt phòng và vé bus đã xong, lại tiếp tục lang thang thêm 1 lúc và đến Bahnhof station. Đến đây mới tá hoả ra là bus đi từ bus central station, chỗ mình tới là central station (cho tàu) – giống như ga hàng Cỏ và bến Giáp Bát vậy. Ở đây có tàu chạy tới Prague, mất 3h, 33€ nhưng mình nhất định không chịu mất 12€ vé bus đã đặt nên gọi ngay anh taxi để tới bus central station, mất thêm 15€. Tính ra vẫn rẻ hơn mua vé tàu mới, nhưng hài hước là tới đó thì vẫn phải chờ thêm 1 giờ nữa do bus từ Prague về trễ vì… tắc đường bởi… các bạn biểu tình. Mình cũng chẳng hiểu các bạn biểu tình chuyện gì, nhưng là một đoàn dài, mình đứng coi các bạn đi bộ bình thường qua mà hơn 30 phút chưa hết. Vấn đề nổi cộm nhất ở đây bây giờ đang là nạn nhập cư, các bạn vượt biên từ chỗ tránh bom đạn, tìm sự sống; đến khi có rồi lại đòi ăn sang, trợ cấp 2000€ / tháng (chính sách cho người bản địa khoảng 700€ / tháng) thì cũng thật bó tay. Theo anh bạn mình ở đây kể, thì chính phủ đang yêu cầu những công trình khách sạn đang hoàn thiện hoặc bỏ dở (tức là đã ngon rồi nhưng chưa đưa vào hoạt động) cho các bạn vượt biên vào ở tạm (vì các bạn ấy vùng vằng không thèm ở lều, hất bỏ thức ăn được cho). Vậy mới thấy các bạn vượt biên “hoang dã” chừng nào thì các bạn ở đây “ngay ngắn” chừng ấy. Nhưng đấy là việc của chính phủ thôi, người dân đâu ai chịu được cảnh đóng thuế cao cho trợ cấp xã hội để nuôi một đội “ăn bám sang chảnh” kiểu này, vậy là lại biểu tình. Khổ thân bà Merkel, chẳng biết lúc ra quyết sách có tính tới những vấn đề này chưa.

Các bạn biểu tình cũng ngay ngắn thôi, cơ mà… mất thời gian quá

Dù chẳng liên quan gì, nhưng công bằng mà nói thì bến xe ở Dresden xấu so với mặt bằng chung ở châu Âu, dù đẹp hơn nhưng lộn xộn chẳng khác gì bến Mỹ Đình nhà ta.